Bí Quyết Chăm Sóc Hoa Hồng Trong Mùa Mưa

hoa-hong-mua-mua

Mùa mưa đang chuẩn bị ùa về cũng là lúc bạn bắt đầu lo lắng cho những nàng hồng bé bỏng của mình. Bởi mưa mang đến cho hoa hồng rất nhiều điều kiện bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển như: sâu bệnh, úng nước, thối rễ, dập hoa,… Tuy nhiên, mưa cũng là điều kiện tốt cho cây phát triển vượt trội nếu ta biết cách chuẩn bị và chăm sóc đúng cách. Dưới đây là những bước cần thiết để bảo vệ và phát triển hoa hồng trong mùa mưa.

hoa-hong-mua-mua

1. Lợi Ích Và Tác Hại Của Mưa Đối Với Hoa Hồng

Lợi Ích

Nếu trước khi bắt đầu vào mùa mưa, hoa hồng được chuẩn bị tốt ở các bước như: phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, hệ thống thoát nước thông thoáng, cắt tỉa cành và lá già,… thì sau những cơn mưa, cây sẽ xanh bóng, thân vươn cao hơn. Đặc biệt, nếu trước đó đã được cắt tỉa, cây sẽ cho nhiều đọt non mướt mắt. Mưa cung cấp độ ẩm tự nhiên, giúp cây phát triển mạnh mẽ, lá xanh tươi và hoa nở rộ.

Tác Hại

Khi thời tiết mưa nhiều, điều đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là những bông hoa đang trổ sẽ bầm dập và thối hoa. Cây hồng dễ bị ngập úng, oi nước, hệ rễ cây suy yếu khi không được thoát nước tốt. Sức đề kháng của cây suy giảm, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện phát triển cho nhiều mầm bệnh. Từ đó có thể thấy, nếu bạn không có sự chuẩn bị chu đáo, hoa hồng của bạn dễ mắc phải nhiều sự đe dọa làm chết cây hoặc suy yếu nghiêm trọng.

2. Chuẩn Bị Trước Khi Mùa Mưa Đến

Phòng bệnh hơn trị bệnh. Trước khi mùa mưa đến, bạn cần chuẩn bị các bước sau:

  • Tỉa Cành: Tỉa bỏ các cành nhánh già, lá úa vàng, yếu và bệnh để cây thông thoáng và dễ đâm chồi non.
  • Hệ Thống Thoát Nước: Đánh rãnh quanh vườn, vun cao gốc cây, tạo môi trường đất tơi xốp đối với cây trồng trên nền đất. Đối với những cây trồng trong chậu, nên kê cao, không để đáy chậu tồn đọng nước.
  • Phun Thuốc Ngăn Ngừa Bệnh: Sử dụng một số loại thuốc ngăn ngừa các loại nấm bệnh vào mùa mưa.

3. Tăng Tính Thoát Nước Cho Cây

Hoa hồng sợ nhất là tình trạng bị úng nước, với lượng nước mưa dồn dập cây sẽ khó khăn trong việc thoát nước và dễ dẫn đến thối rễ. Vì vậy có thể chuẩn tăng tính thoát nước cho cây bằng cách:

  • Kê Cao Chậu Cây: Tạo nhiều lỗ thoát nước tốt ở đáy chậu. Đồng thời, tạo nhiều rãnh thoát nước tốt nhất cho vườn.
  • Sử Dụng Giá Thể Tăng Tính Thoát Nước: Lót dưới đáy chậu các loại giá thể có khả năng tăng tính thoát nước, tiêu biểu là viên đất nung (sỏi nhẹ).

4. Bón Phân Hoa Hồng Trong Mùa Mưa

Cách chăm bón phân cho hoa hồng vào mùa mưa cũng rất quan trọng. Nếu mưa quá nhiều, nên giảm lượng phân bón định kỳ cho cây xuống một nửa hoặc một phần ba với mỗi lần tưới, nên ngâm tan rồi mới tưới để cây dễ hấp thu hơn. Theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên để tiện cho kế hoạch bón phân, nếu thấy có dự báo mưa lớn hoặc mưa liên tục thì không nên bón và chờ qua đợt mưa hãy bón.

Đặc biệt lưu ý, khi vừa bón phân xong nên tưới xả, tránh phân đọng lại trên cành lá sẽ dễ bị cháy cây. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá được tình trạng sức khỏe của cây kết hợp với thời tiết để bón phân cho hợp lý trong mùa mưa này.

Sau mùa mưa, nên bón bổ sung các loại phân hữu cơ để giúp cây phục hồi. Trong đó, phân trùn quế là loại phân rất thích hợp cho việc trồng hoa hồng. Trong phân có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết, cung cấp hệ vi sinh tự nhiên đa dạng, góp phần vào việc cải tạo đất trồng và tăng chất lượng hoa.

5. Bảo Toàn Dinh Dưỡng Cho Cây Trong Suốt Mùa Mưa

Nguồn dinh dưỡng cho cây hồng sẽ tồn tại trong đất trồng, mưa sẽ là yếu tố dễ làm mất dinh dưỡng từ trong đất, vì vậy ta nên thực hiện:

  • Che Hoặc Phủ Gốc Cây: Tránh nước mưa dập chai đất trồng.
  • Phủ Bề Mặt Chậu: Dùng viên đất nung hoặc trấu để bảo vệ nguồn phân bón (nước mưa xối trực tiếp vào chậu ở lượng quá nhiều sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng của phân bón).

6. Một Số Sâu Bệnh Hại Cần Phòng Trị Trong Mùa Mưa

  • Bệnh Đốm Đen: Bệnh khó trị và lây lan nhanh khi thời tiết ẩm ướt nhất là sau các trận mưa. Lúc đầu là những chấm nâu, về sau chuyển thành đen. Xuất hiện trên các bề mặt lá với hình dạng chấm tròn hoặc không đều, làm cho lá cây rụng sớm dần, các chồi non cũng dễ dàng bị lây bệnh. Lưu ý, nấm gây bệnh này tồn tại trong đất.
  • Bệnh Phấn Trắng: Nấm gây bệnh thích hợp ở ẩm độ 85%, nhiệt độ 18 độ C. Gây hại đến lá, thân, cuống hoa, đài hoa và cánh hoa, trên những phần non của cây, phủ một lớp nấm trắng như bột làm cho lá bị khô héo và rụng hàng loạt.
  • Ốc Sên: Mùa mưa còn là cơ hội cho ốc sên cắn phá trên hoa hồng. Theo chị Thu – chủ vườn hồng ngoại tại Bình Phước, ta nên quan sát kỹ để phân biệt dấu hiệu giữa sâu tấn công và ốc sên cắn phá. Rọi đèn thêm vào buổi tối để bắt gặp tình trạng ốc sên tấn công. Nếu gặp trường hợp đó, hãy sử dụng loại thuốc bã mồi để tiêu diệt một cách hiệu quả nhất.

Ngoài các lưu ý trên, khi trồng hoa hồng có thể tăng độ thoáng khí và thoát nước cho đất nhờ vào việc phối trộn giá thể trồng với viên đất nung. Viên đất nung với kết cấu thoáng khí và ổn định, việc áp dụng giá thể viên đất nung để trồng hoa hồng đang được khá nhiều người trồng ưa chuộng và mang lại hiệu quả đáng kể.

Bằng những biện pháp trên, bạn có thể bảo vệ và chăm sóc những cây hoa hồng của mình một cách hiệu quả trong mùa mưa. Chúc bạn thành công trong việc giữ cho vườn hồng luôn tươi tốt và rực rỡ!