Bạn có biết giâm cành là phương pháp giúp nhân giống nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa hồng? Đối với hoa hồng, đây được xem như cách nhân giống nhanh nhất với tỷ lệ sống của cành giâm rất cao. Tuy nhiên, rất nhiều người yêu hoa lại gặp khó khăn trong việc giâm cành sống. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào?
1. Giâm Cành Hoa Hồng Là Gì?
Ngoài việc nhân giống cây bằng phương pháp chiết, ghép thì giâm cành hoa hồng chính là một phương pháp nhân nhanh với số lượng lớn cây con. Phương pháp giâm cành là sử dụng cành của cây mẹ đem cắm vào giá thể để cho ra rễ và phát triển thành cây con.
2. Thời Điểm Giâm Cành Hoa Hồng
Thời gian thích hợp để giâm cành là vào mùa xuân từ tháng 2 – 4 và vào tháng 8 – 10. Vì thời gian này giúp cành giâm nhanh ra rễ và tỷ lệ sống cao. Thông thường sau khi giâm khoảng 8 tháng là cây có thể cho ra hoa.
3. Cách Giâm Cành Hoa Hồng Bằng Giá Thể
3.1 Chuẩn Bị Giá Thể
Giá thể để giâm cành hoa hồng là loại giá thể có độ tơi xốp cao, thoát nước tốt và giữ ẩm tốt. Hỗn hợp giá thể thích hợp cho giâm cành hoa hồng thường được sử dụng gồm tro trấu và đất đồi hoặc tro trấu và cát theo tỷ lệ 2:1. Ở một số nơi có điều kiện đất phù sa, bùn ải hoặc đất thịt nhẹ thì có thể sử dụng một trong các loại trên kết hợp với Phân trùn quế theo tỷ lệ 2:1.
Ngoài ra, nên sử dụng giá thể ươm giống được phối trộn sẵn, đầy đủ dinh dưỡng để ươm hom giâm. Giá thể ươm giống SFARM có các ưu điểm:
- Phối trộn đầy đủ dinh dưỡng.
- An toàn, sạch mầm bệnh.
- Kích mầm, kích rễ chi chít.
- Kháng bệnh cho rễ.
- Tơi xốp và thoáng khí.
Có thể sử dụng khay vuông, bầu ni lông để đựng giá thể hoặc giâm cành bằng cách lên liếp.
3.2 Chọn Hom Giâm
Các giống hồng dễ giâm là hồng rừng, hồng dại, hoặc các giống hồng khác có tỷ lệ sống thấp hơn nhưng vẫn có khả năng thành công. Hom được chọn phải là những cành bánh tẻ (không quá già hoặc quá non), tốt nhất là đoạn giữa loại cành đang mang hoa.
3.3 Cắt Hom Giâm
Mỗi hom có chiều dài từ 8 – 10 cm và có 1 – 3 mắt ngủ còn xanh, đã u lên khoảng 1 – 2 mm. Hom được cắt vát xuống 30 độ ngược với hướng mọc của mầm. Vết cắt phẳng mịn và không dập nát. Trước khi giâm cần cắt bớt lá, chỉ để lại 2 – 3 lá chét ở cuống lá mắt phía trên để giảm bớt sự thoát hơi nước, đảm bảo cân bằng giữa nước hút vào và nước mất đi, tập trung nước và dinh dưỡng còn lại để nuôi tế bào mô phân sinh, nâng cao tỉ lệ sống của cây mới.
3.4 Xử Lý Hom Giâm
Những đoạn hom cần được xử lý trước khi đem đi giâm bằng cách ngâm vào thuốc kích thích ra rễ. Đối với các bạn không muốn sử dụng hóa chất, có thể thực hiện các cách kích rễ tự nhiên như:
- Pha mật ong với nước sôi, khuấy đều để nguội, sau đó cắm cành giâm vào.
- Pha giấm táo với nước, nhúng cành giâm vào dung dịch rồi vùi vào bột quế.
- Ngâm cành liễu cắt khúc vào nước, phơi nắng 2 ngày, sau đó dùng nước này tưới cành giâm.
3.5 Kỹ Thuật Giâm Cành Hoa Hồng
Sau khi chuẩn bị giá thể và xử lý cành giâm, tiến hành cắm các đoạn hom vào giá thể. Hom được cắm xiên 45 độ với độ sâu từ 1,5 – 2,0 cm, khoảng cách 5×5 cm. Cành giâm cần nơi có mái che tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời để phát triển.
3.6 Chăm Sóc Cành Giâm
Cành giâm cần được chăm sóc cẩn thận và đảm bảo độ ẩm cho giá thể đạt từ 95 – 100% trong giai đoạn 3 ngày đầu sau khi giâm. Để đảm bảo độ ẩm ổn định, có thể tưới phun sương trên bề mặt 2 lần/ngày.
- Sau khi giâm 10 – 20 ngày, cành giâm bắt đầu xuất hiện chồi non. Lúc này nên sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng định kỳ 10 ngày/lần.
- Sau khoảng 25 – 35 ngày là có thể ra cành giâm bằng cách vào bầu cho cây con. Sử dụng bầu trồng với kích thước khoảng 7 – 10 cm hoặc 20 – 25 cm, có lỗ thoát nước ở đáy.
- Khoảng 2,5 tháng sau khi giâm, cành giâm đã phát triển thành cây con với chiều cao khoảng 15 – 25 cm, rễ phát triển khỏe mạnh.
4. Một Số Cách Giâm Cành Hoa Hồng Khác
4.1 Cách Giâm Cành Hoa Hồng Bằng Khoai Tây
Khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng và độ ẩm cao giúp rễ cây hoa hồng phát triển nhanh chóng và khỏe mạnh. Các bước thực hiện như sau:
- Chọn cành hoa khỏe mạnh khoảng 20 cm, cắt chéo góc 45 độ, cắt hết phần lá và gai ở thân dưới, giữ lại lá ở trên.
- Chọn vị trí thuận lợi có đầy đủ ánh sáng và độ ẩm cần thiết. Đào hố vừa củ khoai tây.
- Đục lỗ trên củ khoai bằng với đường kính của cành hồng, sát khuẩn dụng cụ trước khi sử dụng.
- Cắm cành hoa hồng vào lỗ đã đục trên khoai tây, trồng khoai vào hố đã đào sẵn và vun đất lại. Tưới nước hàng ngày để cây luôn đủ độ ẩm cần thiết.
4.2 Cách Giâm Cành Hoa Hồng Bằng Nước
Giâm cành hoa hồng bằng nước sử dụng nước tinh khiết để kích thích cành hồng ra rễ. Các bước thực hiện như sau:
- Chọn cành cây khỏe, cắt vát hai đầu, giữ một ít lá ở phần trên.
- Cho nước tinh khiết vào cốc nhựa trong làm giá thể, cắm cành hồng vào dung dịch kích rễ.
- Sau 3 ngày giảm độ ẩm xuống 85 – 90%, cho các cành hồng vào cốc nhựa lớn, đậy nắp lại.
- Sau 10 – 30 ngày, cành sẽ ra rễ, trồng xuống đất và chờ đợi khoảng 1 tháng cây sẽ bắt đầu đâm chồi và có nụ.
4.3 Cách Giâm Hoa Hồng Bằng Cát
Giâm cành hoa hồng bằng cát dễ thực hiện tại nhà. Chuẩn bị và xử lý cành hồng như bước 1 của cách giâm cành bằng nước, sau đó nhúng cành hồng vào dung dịch kích mọc rễ. Cắm cành hoa hồng vào cát, tưới nước hàng ngày để tạo môi trường ẩm vừa đủ cho cây.
5. Ưu Và Nhược Điểm Của Giâm Cành
Ưu điểm của phương pháp giâm cành hoa hồng là hệ số nhân giống cao, cây con giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ, sinh trưởng và phát triển tốt, phân cành mạnh. Tuy nhiên, cần chú ý giai đoạn đầu vì cây dễ bị nhiễm bệnh từ giá thể trồng. Tuổi thọ của cây không cao như cây trồng bằng hạt do có bộ rễ không ăn sâu.
6. Lưu Ý Khi Giâm Cành Hoa Hồng
- Cành tốt nhất có một chồi 5 lá để hỗ trợ quá trình tổng hợp các chất cho quá trình ra rễ.
- Chọn các giống hồng thân thuộc với điều kiện khí hậu địa phương giúp tăng tỷ lệ sống sót của cành giâm.
- Không tưới nước vào buổi tối để tránh thối rễ. Cành giâm cần được che chắn kỹ càng tránh mưa to hay nắng gắt.
Hy vọng với những bước giâm cành hoa hồng đơn giản này, bạn có thể tự tay trồng và chăm sóc những chậu hoa hồng đẹp mắt ngay tại nhà. Chúc bạn thành công!